“Ngàn xưa anh linh vang bốn biển – Dinh Cậu bình phong bảo vệ dân”. Đó là 2 câu thơ được đề tại hai bên cột đá ở Dinh Cậu, một địa danh linh thiêng của Phú Quốc. Nơi đây chính là biểu tượng an cư của người dân Phú Quốc, là nơi lưu giữ những tinh thần người xưa từ thuở hồng hoang. Dinh Cậu Phú Quốc là một địa điểm không mất nhiều thời gian và tiền bạc của bạn để thử một lần đến thăm viếng và lắng nghe những truyền thuyết về hòn đá thần kỳ chắn sóng nằm trơ trọi giữa một vùng đất bằng phẳng nơi cửa sông.
Dinh Cậu ở đâu?
Dinh Cậu là một trong những địa danh nổi tiếng cần phải thăm khi đến Phú Quốc. Dinh Cậu nằm ở trung tâm Thành phố Phú Quốc, Dương Đông. Từ chợ đêm Phú Quốc, bạn rẽ qua đường Bưu điện Thành phố cho đến khi thấy Công viên Bạch Đằng, nơi có nhiều tàu câu mực xung quanh thì rẽ trái. Từ xa bạn sẽ thấy một ghềnh đá nằm sừng sững với cổng Dinh và bên cạnh có một bờ kè chắn sóng dài. Buổi chiều, người dân tập trung nơi đây khá đông. Bạn hãy thử đến đây để một lần được gửi gắm lòng tin của bản thân ở một nơi linh thiêng và chiêm ngưỡng vẻ đẹp đến nao lòng của ánh dương vào thời khắc dần buông xuống đảo ngọc.
Tham khảo thêm : Kinh nghiệm du lịch Phú Quốc từ A – Z

Nguồn gốc Dinh Cậu
Dinh Cậu hay còn gọi là miếu Long Vương, được dựng một ghềnh đá trơ trọi nằm hướng về phía Tây Phú Quốc, ngay cửa sông Dương Đông. Dinh Cậu thờ Chúa Ngọc nương nương bên ngoài và chính điện thờ Cậu Tài, Cậu Quý, nơi đây nhang khói quanh năm bởi phần lớn là người dân làm ăn địa phương hoặc khách du lịch thích tham quan và tìm hiểu về những địa điểm tâm linh.
Theo từ điển Wikipedia, Dinh Cậu được xây dựng vào năm 1937 và được trùng tu vào năm 1997. Như vậy, có thể nói Dinh Cậu cũng giống như Người Mẹ biển cả lặng lẽ ngắm nhìn sự trưởng thành, phát triển theo dòng chảy thời gian của đảo Phú Quốc.
Đường lên Dinh Cậu chỉ có 29 bậc thang đá, mặt tiền của đền hướng về biển cả mênh mông, lưng đền tựa vào Thành phố đảo ngọc. Bên góc trái của đền là trụ hải đăng , trước sân đền là một không gian vừa trang nghiêm vừa gần gũi, những chiếc bàn ghế đá được đặt nơi đây là nơi để những người lên viếng đền cùng ngồi lại đón gió biển và ngắm nhìn khung cảnh hoàng hôn tuyệt diệu xung quanh.
Đọc thêm : Sun World Hòn Thơm khu vui chơi giải trí không thể bỏ qua khi đến Phú Quốc

Dinh Cậu Phú Quốc và những câu chuyện huyền bí
Vì là biểu tượng đời sống tâm linh của người dân xứ đảo nên những câu chuyện xung quanh ghềnh đá Dinh Cậu đều mang màu sắc huyền bí, hư hư thực thực nhưng đằng sau mỗi câu chuyện đều là một bài học về đạo đức và thức tỉnh cái tâm nhân chi sư trong mỗi người chúng ta.
Câu chuyện thứ nhất: Người dân Phú Quốc lưu truyền rằng, khi chưa có tên Phú Quốc, vùng đất này gọi là Xích Thổ, do Thủy Long Thần nữ cai quản, gọi là Bà Chúa Đảo. “Cậu” là con của Bà, trong một lần cãi lời Mẹ, Cậu đã giải thoát Sấu tinh đang bị giam cầm nên sau này Cậu bị Mẹ đày ngồi trên lưng Sấu tinh canh giữ mãi mãi dù nó đã hóa đá. Sau dân làng vì thương Cậu phải dầm mưa dãi nắng nên đã dựng miếu trên ghềnh đá to đấy và gọi là Dinh Cậu. Về sau, cứ mỗi lần chuẩn bị ra khơi, họ thường đến Dinh để khấn vái Cậu được thuận buồm xuôi gió.
Xem thêm bài viết : Chùa hộ quốc – thiền viện trúc lâm Phú Quốc.
Câu chuyện thứ hai: Tiền thân của Dinh Cậu là Miếu Long Vương. Từ xa xưa, dân đảo đã sinh sống bằng nghề chài lưới và lên tàu ra khơi đánh bắt là chủ yếu, nhưng có những chuyến tàu ra khơi xa gặp sóng dữ mà mãi mãi không bao giờ quay lại bờ được nữa. Bỗng một hôm, từ Miếu Long Vương một ghềnh đá trồi lên , người dân cảm thấy đây chắc chắn là điều linh ứng nên đã cho lập Đình thờ, cứ mỗi lần họ đặt niềm tin vào nơi đây thì những chuyến tàu đã bình yên vô sự sau chặng đường tìm kế sinh nhai.

Câu chuyện thứ ba: Đây cũng là một câu chuyện có khả năng là sự thật nhất nhưng vẫn có những yếu tố khiến đời sau không khỏi hoài nghi về độ chân thực. Chuyện là vào đầu thế kỷ XX, có một người đàn ông đến Miếu Long Vương tá túc, và một mình làm công quả tại miếu. Ông tịnh khẩu và chỉ ra dấu mỗi lần giao tiếp. Sau này, ông không ở trên miếu nữa mà chui xuống hang dưới lòng đá ẩn tu bằng cách dùng đá lấp cửa hang. Người dân vì thương và sợ ông chịu đói nên mang cơm chay đến đặt trước cửa hang, nhưng mọi thứ ông vẫn không động đến dù chỉ là một miếng. Sau 2 năm ẩn tu, ông trở lên miếu làm các công việc trước đây và đáng ngạc nhiên là ông đã chịu nói chuyện mặc dù rất kiệm lời. Ông thường tiên tri hậu vận cho những tín dân đến cúng bái miếu Long Vương và thường rất chính xác. Vậy là vào ngày 15 và 16 tháng 10 âm lịch hằng năm, ông tổ chức lễ bái cúng Long Vương, ban phát lộc cầu bình an. Từ đó, dân trong vùng gọi ông là “Cậu” và vô cùng tín ngưỡng nơi Cậu vì kể từ khi Cậu ban phát lộc, nghề đánh bắt trở nên thuận lợi và đời sống người dân cải thiện về vật chất rất nhiều. Tuy nhiên, tầm năm 1940, lính Pháp tấn công ngôi miếu Long Vương và bắt ông Cậu. Từ ngày đó, không một ai còn được thấy ông nữa.
Tham khảo thêm bài viết : Kinh nghiệm đi tour cano đảo Phú Quốc

Có rất nhiều những truyền thuyết xung quanh Dinh Cậu nhưng dù thế nào thì Dinh Cậu vẫn là một đấng linh thiêng trong niềm tin của người dân xứ Đảo, họ cảm thấy an tâm và bình thản trước khó khăn mỗi khi đến khấn vái và dâng hương tại đây.
Bài viết này là những thông tin mà chúng tôi tìm hiểu và được nghe kể lại từ những người xưa, cám ơn bạn đã đọc bài viết và quan tâm đến Dinh Cậu Phú Quốc. Nếu thấy bài viết này hay thì hãy chia sẽ cho bạn bè và người thân đọc nhé.
0 Bình luận